Hẹp động mạch cảnh thông thường là do hậu quả của xơ vữa mạch máu, hay gặp ở lứa tuổi trung niên trở lên. Ước tính có khoảng 15% đột quỵ thiếu máu não là thứ phát trên nền hẹp động mạch cảnh. Nhưng thường không gây triệu chứng cho đến khi tình trạng hẹp trở nên trầm trọng.
1. Nguyên nhân gây hẹp động mạch cảnh
Động mạch cảnh là mạch máu chính cung cấp máu giàu oxy cho các cơ quan và mô ở vùng đầu và cổ, trong đó có não. Khi động mạch cảnh bị tắc nghẽn hoặc có sự hình thành cục máu đông, quá trình lưu thông máu sẽ bị cản trở, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Hẹp động mạch cảnh xảy ra khi các động mạch cảnh bị thu hẹp do sự tích tụ mảng bám, bao gồm cholesterol, mô xơ và canxi. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến não, tạo điều kiện cho huyết khối hình thành, có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển đến não, dẫn đến tắc mạch máu não.
Nguyên nhân chính gây hẹp động mạch cảnh bao gồm:
- Xơ vữa động mạch: Sự xuất hiện của mảng bám trên thành mạch máu làm cản trở dòng chảy của máu.
- Huyết áp cao: Nếu không kiểm soát tốt, huyết áp cao có thể làm tổn thương thành mạch, tạo điều kiện cho mảng bám hình thành.
- Bệnh tiểu đường: Làm gia tăng nguy cơ tổn thương mạch máu, từ đó dễ dẫn đến hẹp động mạch cảnh.
- Các yếu tố khác: Hút thuốc lá, cholesterol cao, tuổi tác trên 50,…
2. Triệu chứng của hẹp động mạch cảnh
Động mạch cảnh có vai trò quan trọng trong việc đưa máu từ tim lên não, do đó khi động mạch này bị hẹp, máu cung cấp cho não sẽ giảm hoặc bị gián đoạn, dẫn đến thiếu máu não thoáng qua hoặc đột quỵ.
Khi vùng não thiếu oxy và dinh dưỡng, các tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như tử vong hoặc phải đối mặt với di chứng nặng nề như rối loạn vận động, nhận thức, ngôn ngữ, hoặc thị giác.
Hẹp động mạch cảnh trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể xuất hiện như:
- Triệu chứng nhẹ: Hoa mắt, chóng mặt, cảm giác yếu ở một bên cơ thể.
- Triệu chứng nặng: Mất ý thức đột ngột, khó nói, nói lắp, giảm thị lực hoặc mờ mắt một bên.
Cơn thiếu máu não thoáng qua thường là dấu hiệu chính, nếu không có triệu chứng thần kinh rõ ràng. Triệu chứng chính của đột quỵ do hẹp động mạch cảnh có thể bao gồm: tê bì, liệt nửa người, mù thoáng qua hoặc mất khả năng nói.
3. Hẹp động mạch cảnh có lây không?
Hẹp động mạch cảnh do xơ vữa là kết quả của việc mảng xơ vữa tích tụ, gây tắc nghẽn mạch máu, do đó không phải là bệnh lây nhiễm và không có khả năng lây truyền.
4. Phòng ngừa hẹp động mạch cảnh
Hẹp động mạch cảnh là một bệnh lý nguy hiểm nhưng khó nhận biết, vì thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc các triệu chứng mơ hồ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, những người có nguy cơ cao cần phải đi khám thường xuyên tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Những triệu chứng nhẹ như chóng mặt, xây xẩm thường bị bỏ qua, nhưng đây lại có thể là dấu hiệu cảnh báo, nếu không được chú ý, có thể dẫn đến đột quỵ. Rất nhiều trường hợp bị nhồi máu não khi đến bệnh viện đã quá muộn.
Cần thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ hẹp động mạch cảnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ hệ tim mạch tốt hơn. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tránh thực phẩm nhiều chất béo, dầu mỡ chiên rán, ưu tiên cá, thịt nạc, rau củ và dầu thực vật.
Ngoài ra, không hút thuốc, vì thuốc lá có thể làm tổn hại động mạch. Hút thuốc là yếu tố nguy cơ lớn đối với các bệnh động mạch vành. Nicotine làm co mạch máu và khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Việc bỏ thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến xơ vữa động mạch.
Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý dẫn đến xơ vữa động mạch. Tốt nhất nên duy trì ít nhất 150 phút hoạt động aerobic vừa phải mỗi tuần hoặc 75 phút hoạt động mạnh.
Nếu mắc các bệnh lý mạn tính như huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hoặc có các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc, béo phì, cholesterol cao, ít vận động, chế độ ăn nhiều đường, chất béo… nên đi kiểm tra động mạch cảnh thường xuyên.
5. Điều trị hẹp động mạch cảnh
Sau khi chẩn đoán, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Thay đổi lối sống: Chế độ ăn uống lành mạnh, giảm chất béo bão hòa và tăng cường rau quả. Cần kết hợp với việc tập thể dục đều đặn và từ bỏ thói quen hút thuốc.
- Điều trị bằng thuốc: Thuốc giúp giảm nguy cơ tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Các thuốc như Aspirin và Clopidogrel (Plavix) thường được sử dụng.
- Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật sẽ được chỉ định khi mức độ hẹp động mạch cảnh vượt quá 70%. Phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh giúp giảm nguy cơ tai biến mạch máu não đến 80% ở những người có triệu chứng, và 50% ở những người không có triệu chứng.
- Can thiệp đặt stent động mạch cảnh: Được chỉ định cho những trường hợp không thể phẫu thuật hoặc có nguy cơ cao khi phẫu thuật, như hẹp động mạch cảnh sau xạ trị vùng cổ.
Việc quyết định phương pháp điều trị cần được xem xét kỹ lưỡng và hội chẩn đa chuyên khoa, bao gồm các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật mạch máu, tim mạch, gây mê và thần kinh.
Tin cùng chuyên mục:
Người mắc hội chứng Goodpasture nên thực hiện các bài tập như thế nào
Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn táo thường xuyên?
7 nguyên tắc sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ
5 cách uống nước mía an toàn cho sức khỏe