Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh lupus ban đỏ, giúp giảm các triệu chứng và nâng cao sức khỏe tổng thể cho người bệnh.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh lupus ban đỏ
Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh thường có diễn tiến phức tạp, trải qua các đợt bùng phát, và ngày càng nặng hơn, gây tổn thương các bộ phận quan trọng như thận, tim mạch, thần kinh, hô hấp… Thậm chí, bệnh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Theo BS. Nguyễn Trường từ Bệnh viện Bạch Mai, lupus ban đỏ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Việc điều trị bệnh là biện pháp tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh lupus ban đỏ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, do đó có nhiều loại thuốc khác nhau được sử dụng để điều trị. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn sự kết hợp thuốc phù hợp.
Ngoài việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể kiểm soát tình trạng của mình bằng các biện pháp khác, bao gồm: hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; duy trì thói quen tập thể dục đều đặn; quản lý căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý để giảm mệt mỏi; kiểm tra sức khỏe định kỳ; xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá. Chế độ ăn uống lành mạnh đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ và cải thiện sức khỏe tổng thể của người bệnh, giúp giảm viêm, hỗ trợ hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch.
Lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn gây viêm mạn tính. Một số thực phẩm có đặc tính chống viêm có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp, viêm da và các triệu chứng viêm khác liên quan đến bệnh lupus.
Một chế độ ăn uống cân bằng cung cấp đầy đủ năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, bao gồm các vitamin và khoáng chất như vitamin D, vitamin C, vitamin E, kẽm, selen, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng của hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Người bệnh lupus có nguy cơ loãng xương cao, đặc biệt nếu sử dụng corticosteroid; đồng thời có thể mắc bệnh xơ vữa động mạch và tổn thương thận. Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và cholesterol xấu, nhưng lại giàu chất xơ và omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch bằng cách cải thiện mức cholesterol, huyết áp và giảm viêm.
Việc bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D rất quan trọng để duy trì sức khỏe xương. Việc hạn chế muối (natri) trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm tình trạng giữ nước và phù nề, triệu chứng thường gặp ở người bệnh lupus có tổn thương thận.
2. Những dưỡng chất quan trọng cho cơ thể người bệnh lupus ban đỏ
Người bệnh lupus ban đỏ cần một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để duy trì năng lượng, giảm viêm, hỗ trợ hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể. Dưới đây là những dưỡng chất quan trọng mà người bệnh cần chú ý bổ sung:
- Acid béo omega-3: Omega-3 có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, giúp giảm các triệu chứng viêm khớp, viêm da và các triệu chứng viêm khác liên quan đến lupus. Omega-3 có trong các loại cá béo (như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá cơm), hạt lanh, hạt chia và dầu cá. Người bệnh nên ưu tiên lựa chọn thực phẩm tự nhiên. Nếu sử dụng dầu cá hoặc các sản phẩm bổ sung omega-3, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và chất lượng sản phẩm.
- Chất chống oxy hóa: Lupus là một bệnh tự miễn có liên quan đến sự gia tăng các gốc tự do trong cơ thể. Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, như trái cây tươi (đặc biệt là các loại quả mọng), rau xanh đậm, các loại đậu và trà xanh, có thể giúp trung hòa các gốc tự do, giảm tổn thương tế bào và giảm viêm.
- Canxi: Canxi rất quan trọng đối với sức khỏe xương, đặc biệt đối với người bệnh lupus có nguy cơ loãng xương cao, do cả bệnh lý và việc sử dụng corticosteroid. Các nguồn thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa và các sản phẩm từ sữa ít béo, rau lá xanh đậm (như cải xoăn, bông cải xanh), đậu phụ, cá mòi (ăn cả xương), hạnh nhân…
- Vitamin D: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả, rất quan trọng đối với chức năng của hệ miễn dịch và sức khỏe xương. Vitamin D còn có thể đóng vai trò trong việc điều chỉnh hoạt động của bệnh lupus. Nhiều người bệnh lupus bị thiếu vitamin D vì tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để ngăn ngừa bùng phát da. Các nguồn bổ sung vitamin D gồm cá béo, lòng đỏ trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc tăng cường vitamin D.
- Chất xơ: Chất xơ giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ổn định lượng đường trong máu và ngăn ngừa táo bón có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc do giảm hoạt động thể chất. Thực phẩm giàu chất xơ thường giúp no lâu hơn, giúp kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ và hỗ trợ duy trì cân nặng hợp lý, giảm áp lực lên khớp và tim mạch. Chất xơ có nhiều trong trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…
- Nước: Nước rất quan trọng đối với tất cả các chức năng của cơ thể, bao gồm chức năng thận. Uống đủ nước giúp thận hoạt động hiệu quả hơn trong việc lọc chất thải và duy trì cân bằng điện giải, từ đó giảm nguy cơ tiến triển bệnh thận ở người bệnh lupus. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng nước phù hợp.
3. Một số thực phẩm có thể gây viêm, làm nặng thêm triệu chứng lupus ban đỏ
Một số loại thực phẩm có thể gây viêm và làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ, bao gồm:
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt cừu, thịt dê, thịt lợn và thịt ngựa chứa các chất có thể gây viêm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh lupus. Những loại thịt này thường chứa chất béo bão hòa, không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
- Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Những chất béo này có nhiều trong thức ăn chiên rán, đồ nướng công nghiệp, mỡ động vật, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, và thịt chế biến sẵn. Chúng có thể làm tăng cholesterol và gây viêm.
- Thực phẩm chế biến sẵn: Đồ hộp, thịt nguội, xúc xích thường chứa nhiều muối, chất béo không lành mạnh, chất bảo quản và ít dưỡng chất, không tốt cho người bệnh lupus ban đỏ.
- Thực phẩm nhiều muối: Muối làm tăng nguy cơ cao huyết áp và bệnh tim, những biến chứng thường gặp ở bệnh nhân lupus ban đỏ. Hạn chế muối trong chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát huyết áp và giảm phù nề, đặc biệt là ở những người có tổn thương thận. Thay vì dùng muối, người bệnh có thể sử dụng các gia vị tự nhiên như thảo mộc và nghệ.
- Thực phẩm chứa nhiều đường bổ sung: Đường gây viêm và liên quan đến việc tăng các biến chứng của bệnh lupus ban đỏ.
- Chất kích thích: Rượu bia có thể tương tác với thuốc điều trị, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng tác dụng phụ. Cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas, và nước tăng lực có thể làm giảm hấp thụ sắt và gây căng thẳng.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tuy nhiên, mỗi người bệnh có tình trạng sức khỏe và phản ứng khác nhau đối với thực phẩm, vì vậy, việc tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng là rất cần thiết để xây dựng chế độ ăn phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Tin cùng chuyên mục:
Người mắc hội chứng Goodpasture nên thực hiện các bài tập như thế nào
Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn táo thường xuyên?
7 nguyên tắc sống khỏe mạnh và kéo dài tuổi thọ
5 cách uống nước mía an toàn cho sức khỏe