Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào?

Giang mai bẩm sinh là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng xảy ra khi một người mẹ mắc bệnh giang mai và truyền bệnh cho con trong quá trình mang thai hoặc khi sinh.

  1. Giang mai bẩm sinh là gì?

Bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây nên. Giang mai bẩm sinh là một nhiễm trùng đa cơ quan do Treponema pallidum gây ra và được truyền cho thai nhi qua nhau thai.

Khi mẹ bị nhiễm giang mai, thai nhi có thể bị nhiễm bệnh, dẫn đến giang mai bẩm sinh. Ở trẻ sơ sinh bị giang mai bẩm sinh, các biểu hiện lâm sàng có thể được phân loại thành hai giai đoạn: biểu hiện sớm (từ khi sinh đến 2 tuổi) và biểu hiện muộn (sau 2 tuổi).

Theo bác sĩ Nguyễn Doãn Tuấn, chuyên gia từ Khoa Điều trị Bệnh Da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, các dấu hiệu của giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu đời, phổ biến nhất trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, bong vảy ở lòng bàn tay và bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot (do viêm các đầu xương dài gây khó khăn trong vận động). Trẻ sinh ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ và gan, lách to.

Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện sau sinh từ 3 – 4 năm, với các triệu chứng như viêm giác mạc kẽ, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên mắt, sau đó lan ra cả hai bên và có thể dẫn đến mù. Trẻ cũng có thể bị lác quy tụ, điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ. Ngoài ra, các dị hình xương như thủng vòm miệng, trán dô và xương chày lưỡi kiếm cũng có thể xuất hiện.

Giang mai bẩm sinh sẽ gây tổn thương ở da, niêm mạc và các cơ quan trong cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.

  1. Chẩn đoán bệnh giang mai bẩm sinh

Khi phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai, bệnh có thể truyền cho con qua nhau thai, gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân, hoặc khiến trẻ tử vong ngay sau khi sinh. Nếu trẻ sống, bệnh giang mai bẩm sinh sẽ gây tổn thương ở da, cơ xương khớp, tai, mắt, tim mạch, thần kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ ngay sau sinh và có thể để lại biến chứng lâu dài.

Chẩn đoán giang mai bẩm sinh có thể được xác định qua các phương pháp lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn học hoặc huyết thanh học. Giang mai bẩm sinh được xác định khi:

  • Sảy thai, thai chết lưu, hoặc trẻ được sinh ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi hoặc cân nặng trên 500g (tương đương tuổi thai 20 tuần trở lên), có mẹ xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính và không được điều trị đúng cách.
  • Trẻ sinh ra dưới 2 tuổi có triệu chứng lâm sàng của giang mai bẩm sinh hoặc có xét nghiệm giang mai dương tính.

Các triệu chứng giang mai bẩm sinh thường gặp là thai chết lưu hoặc sinh non vào giữa hoặc cuối thai kỳ. Vì vậy, tất cả các bà mẹ bị thai chết lưu cần làm xét nghiệm huyết thanh giang mai. Ở nhiều quốc gia, giang mai bẩm sinh là nguyên nhân chính gây thai chết lưu, và những trường hợp này thường bị bỏ sót.

Trẻ sinh ra từ mẹ có kết quả xét nghiệm huyết thanh giang mai dương tính cần được khám và theo dõi chặt chẽ để phát hiện những dấu hiệu và triệu chứng của giang mai bẩm sinh sớm, như bọng nước, viêm mũi, viêm thanh quản, hạch, gan lách to, viêm xương sụn, viêm màng bụng, viêm màng não, và viêm màng mạch-võng mạc.

Biểu hiện giang mai bẩm sinh muộn ở trẻ sau 2 tuổi có thể bao gồm viêm mắt, tai, khớp, dị dạng xương và các di chứng từ tổn thương của giang mai bẩm sinh sớm. Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh bị giang mai không có triệu chứng rõ ràng.

Tất cả trẻ sinh ra từ bà mẹ có kết quả huyết thanh giang mai dương tính cần được khám và làm xét nghiệm để xác định giang mai bẩm sinh. Trẻ sinh ra từ mẹ bị giang mai mà không được điều trị đầy đủ ít nhất 30 ngày trước khi sinh, hoặc không được điều trị, cần được xét nghiệm ngay sau khi sinh và theo dõi xét nghiệm huyết thanh hàng tháng trong 3-4 tháng cho đến khi khẳng định là âm tính. Một số trường hợp, kháng thể thụ động từ mẹ có thể tồn tại đến 18 tháng, vì vậy nếu xét nghiệm huyết thanh của trẻ vẫn dương tính và hiệu giá kháng thể tăng lên hơn 4 lần so với mẹ, trẻ cần được điều trị giang mai bẩm sinh.

Trẻ sinh ra dưới 2 tuổi và có mẹ bị giang mai sẽ được chẩn đoán giang mai bẩm sinh khi có triệu chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm giang mai dương tính, thông qua các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen hoặc xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp, giúp phát hiện sự có mặt của T. pallidum từ mẫu bệnh phẩm lấy từ dây rốn, nhau thai, dịch mũi hoặc tổn thương da.
  • Xét nghiệm huyết thanh không đặc hiệu dương tính với hiệu giá kháng thể gấp 4 lần so với mẹ.

Các bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác như kính hiển vi đen, nhuộm thấm bạc Fontana Tribondeau, và các phản ứng huyết thanh để chẩn đoán giang mai bẩm sinh. Trong một số trường hợp, X-quang có thể được sử dụng để xác định bệnh.

  1. Phòng ngừa bệnh giang mai bẩm sinh

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ mang thai nên được sàng lọc bệnh giang mai ít nhất một lần trong suốt thai kỳ để chẩn đoán và điều trị kịp thời, giúp phòng ngừa và loại trừ giang mai bẩm sinh. Phụ nữ mang thai nên được kiểm tra giang mai định kỳ trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu sống trong cộng đồng có tỷ lệ mắc bệnh giang mai cao hoặc có yếu tố nguy cơ, cần kiểm tra lại vào 3 tháng cuối thai kỳ và khi sinh.

Nếu được điều trị đầy đủ trong suốt thai kỳ, giang mai có thể được chữa khỏi cả ở mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, nếu điều trị muộn, một số triệu chứng có thể vẫn xuất hiện sau khi sinh. Điều trị cho mẹ dưới 4 tuần trước khi sinh có thể không diệt trừ được nhiễm trùng bào thai.